Đầu tiên, bạn dựa vào hai từ “would” và “if” để xem đó có phải câu điều kiện không, sau đó xem chúng thuộc loại nào để chia động từ chính xác.
Chú ý “would” và “if”
Không phải câu điều kiện nào cũng dùng từ “if” (nếu) nhưng khi đã có từ này, đó là câu điều kiện. Đây là dấu hiệu nhận biết đầu tiên dành cho bạn.
Ngoài ra, đa số câu điều kiện sẽ dùng từ “would” thay cho “will”. Do đó, nếu thấy “would”, “if” hoặc “will” xuất hiện, hãy nghĩ ngay tới câu điều kiện và những kiến thức liên quan để giải quyết bài tập.
Chia câu thành các phần đơn giản
Khi đã nhận ra câu điều kiện, bạn có thể khiến nó dễ hiểu hơn bằng cách chia câu thành hai phần, gồm mệnh đề “if” và mệnh đề “wold” (hoặc “will”).
Ví dụ: “If you exercised every day, you would be so fit” (Nếu tập thể dục mỗi ngày, bạn sẽ rất khỏe mạnh). Câu này sẽ được tách thành “If you exercised every day,” và “you would be so fit”.
Khi đã tách, câu trở nên dễ hiểu hơn. Trong câu điều kiện, mệnh đề “would” có xảy ra hay không phụ thuộc vào kết quả của mệnh đề “if”.
Ảnh: Shutterstock
Học các loại câu điều kiện
– Câu điều kiện loại 1 chỉ tình huống có thể xảy ra. Những câu loại này dùng “will” thay vì “would” và thường sử dụng động từ ở thì hiện tại trong mệnh đề “if”.
Ví dụ: “If I study hard, I will pass the exam” (Nếu chăm học, tôi sẽ vượt qua kỳ thi).
– Câu điều kiện loại 2 thể hiện những việc không thể xảy ra ở thời điểm hiện tại hoặc gần như không có khả năng xảy ra. Trường hợp này, chúng ta dùng “would” và động từ thì quá khứ trong mệnh đề “if”.
Chẳng hạn: “If I were you, I would not be rude to the boss” (Nếu tôi là bạn, tôi sẽ không vô lễ với cấp trên). Hiển nhiên, tôi không thể là bạn, câu điều kiện này không có khả năng xảy ra ở hiện tại nên nó thuộc loại 2. Thông thường, những câu chứa mệnh đề “If I were you” mang tính chất chỉ lời khuyên.
– Câu điều kiện loại 3 nói về một tình huống không thể xảy ra hay thay đổi trong quá khứ, thể hiện sự nuối tiếc nên bạn có thể dịch “if” là giá mà.
Ví dụ: “If I had studied harder as a teenager, I would have gone to a better university” (Nếu chăm học hơn khi còn là một thiếu niên, tôi đã có thể vào một đại học tốt hơn).
Vì diễn đạt các sự việc trong quá khứ, động từ ở mệnh đề “if” ở thì quá khứ hoàn thành, động từ mệnh đề “would” có dạng would + have + phân từ hai.
Trong loại nào, hai mệnh đề của câu điều kiện cũng có thể xáo trộn vị trí cho nhau.
Câu điều kiện phức hợp
Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ gặp những câu điều kiện “lai” giữa loại 2 và 3, được gọi là câu điều kiện phức hợp. Bạn sẽ dùng câu điều kiện loại này khi những hành động trong quá khứ có thể tác động được đến hiện tại.
Ví dụ: “If we had looked at the map we wouldn’t be lost” (Nếu xem bản đồ, chúng ta đã không bị lạc). Điều đó nghĩa là hiện giờ, chúng ta đang bị lạc và nếu xem bản đồ, chúng ta có thể thay đổi thực tại.
(Theo FluentU)