Để “take note” hiệu quả, Minh Hạnh nghe hiểu trước, sau đó ghi ra các từ khóa, dùng biểu tượng hoặc ký hiệu để tiết kiệm thời gian.
Trần Thị Minh Hạnh, 22 tuổi ở Hà Nội, tốt nghiệp ngành Truyền thông và Kinh doanh tại Beloit College, bang Wisconsin, Mỹ, tháng 12/2020. Thời gian về nước vì dịch bệnh, Hạnh vừa học online vừa dạy gia sư tiếng Anh.
Đam mê tiếng Anh, có thời gian dài ôn luyện và trải nghiệm du học, Hạnh quyết định theo đuổi công việc dạy ngoại ngữ. Hạnh thi IELTS hồi tháng 2 và đạt 8.0, trong đó hai kỹ năng nghe và đọc được 8.5. Cô cũng học khóa TESOL luyện kỹ năng giảng dạy và hiện là giáo viên ôn IELTS.
Tốt nghiệp đại học tại Mỹ, Hạnh về nước và bén duyên với công việc dạy tiếng Anh. Ảnh: NVCC.
Hạnh cho hay hồi lớp 10 bắt đầu ôn thi TOEFL để du học. Việc học TOEFL giúp cô cải thiện kỹ năng take note (ghi chép lại vắn tắt những gì nghe được) rất nhiều. “Bài thi trên máy và phần Listening yêu cầu thí sinh nghe rồi take note trước, sau đó mới hiện ra câu hỏi. Thí sinh sẽ không biết mình được hỏi gì hay nghe về chủ đề gì. Hồi đó, tôi đã phải luyện take note rất nhiều”, Hạnh kể.
Theo Hạnh, bài thi TOEFL khó hơn IELTS. Nhờ học khó từ trước nên lúc chuyển sang IELTS, cô thấy dễ dàng hơn do kỹ năng note-taking được rèn luyện suốt 3 năm trung học để ôn TOEFL. Note-taking là kỹ năng rất quan trọng nhưng thường bị người học IELTS bỏ sót.
Trong bài thi IELTS, matching information (nối thông tin) là dạng bài cần luyện take note nhiều nhất, do đáp án quá dài khiến thí sinh không kịp đọc hết trước. Trước khi nghe, thí sinh nên đọc và gạch chân các từ khóa đưa ra trong câu hỏi. Nếu đủ thời gian đọc câu trả lời, bạn tiếp tục đọc cho đến khi bài nghe bắt đầu thì dừng lại.
Để ghi được hiệu quả, Hạnh khuyên cần nghe hiểu trước, sau đó mới viết, thay vì ghi lan man rồi quay lại đọc không đọng lại thông tin gì có ích. Hạnh thường luyện tập bằng cách giới hạn 3-5 từ take note để ghi thông tin giá trị nhất.
“Ví dụ khi nghe được các chi tiết đánh lừa, tôi sẽ nghi xuống, nhưng sau đó người trần thuật trong bài nói bảo không phải, tôi sẽ gạch đi luôn để sau này tìm đáp án sẽ không bị rối”, Hạnh chia sẻ.
Hạnh muốn tự hiểu trước nên phần lớn thời gian khi luyện chỉ nhìn câu hỏi và gần như không nhìn đáp án. Việc đọc trước giúp cô biết sơ qua cần nghe chủ đề gì, hình dung ra được trường từ vựng sẽ nghe được trong bài, ví dụ: Psychology, business, ecology…
Mục đích khi nghe là để hiểu, không phải để viết được càng nhiều từ khóa càng tốt. “Bạn cũng nên sử dụng các icon/symbol (biểu tượng/ký hiệu) để giảm thiểu thời gian viết, ví dụ therefore thay bằng mũi tên suy ra, hoặc not thay bằng x”, Hạnh gợi ý.
Sau khi đã nghe và hiểu, bạn có thể dựa vào từ khóa đã ghi và nối với các đáp án trong bài đã đưa ra. Bạn chú ý phân tích thật kỹ vì trong bài sẽ có từ đồng nghĩa.
Hạnh ghi chép từ khóa (chữ vàng) trong một bài nghe IELTS.